Kết cục Chiến Quốc tứ công tử

Uy tín rất cao của các vị công tử đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới quốc gia và chính điều này khiến một số vị gặp phải sự nghi ngờ, đố kỵ của các quân vương.

Mạnh Thường quân, Tín Lăng quân tuy từng được vua Tề, vua Ngụy dùng nhưng cuối cùng các vua Tề, Ngụy đều sợ các công tử giành mất ngôi mà đoạt chức. Mạnh Thường quân về cuối đời phải bỏ nước Tề sang nước Nguỵ, ở nhờ Tín Lăng quân. Khoảng 40 năm sau, tới lượt Tín Lăng quân bị mất chức, chán nản sa vào tửu sắc và qua đời năm 243 TCN[3].

Trái lại, Bình Nguyên quân và Xuân Thân quân được hoàn cảnh thuận lợi hơn, không bị sự ngờ vực của vua, mặc dù danh tiếng của các công tử này cũng rất cao. Tuy nhiên, chỉ có Bình Nguyên quân có kết cục trọn vẹn và là người may mắn hơn cả trong tứ công tử. Ông mất năm 251 TCN.

Xuân Thân quân Hoàng Yết nuôi chí làm Lã Bất Vi ở nước Sở, nhân vua Sở hiếm muộn, bèn dâng người thiếp là Lý thị đã có mang cho Sở Khảo Liệt Vương, muốn thay con mình làm vua Sở. Nhưng thủ hạ của Hoàng Yết là Lý Viên (zh), anh của Lý thị dã tâm còn cao hơn, nhân có em được vua Sở sủng ái, đã lọt vào giữ quyền trong cung cấm. Đúng lúc vua Sở chết (238 TCN), Xuân Thân quân vào cung liền bị Lý Viên phục binh giết chết. Con Hoàng Yết tuy trở thành Sở U Vương nhưng người đóng vai Lã Bất Vi nước Sở là Lý Viên.

Sự thất sủng hoặc cái chết của tứ công tử Chiến Quốc ít nhiều ảnh hưởng đến sức mạnh của nước chư hầu mà họ phục vụ. Sau khi Mạnh Thường quân chạy sang Nguỵ, Tề Mẫn vương bị liên quân 5 nước (Tần, Nguỵ, Hàn, Triệu) kết hợp tung theo nước Yên đánh. Mẫn vương bỏ chạy và bị giết. Nước Tề suýt bị diệt vong và sau này nhờ tài năng của Điền Đan mới khôi phục được.

Sau khi Bình Nguyên quân qua đời, nước Triệu không còn người tài bên cạnh vua Triệu. Vua Triệu tin dùng gian thần Quách Khai, bỏ danh tướng Liêm Pha và giết tướng tài Lý Mục, nên hơn 20 năm sau thì nước Triệu bị Tần diệt.

Về Tín Lăng quân, Sử ký chép:

"Tần nghe tin công tử đã chết, bèn sai Mông Ngao đánh Ngụy lấy hai mươi thành, bắt đầu đặt Đông Quận. Sau đó Tần dần dần nuốt Ngụy như tằm ăn lá dâu, được mười tám năm thì bắt Ngụy Vương, làm cỏ dân thành Đại Lương."

Nước Sở thời Xuân Thân quân cầm quyền trở nên giàu mạnh, bành trướng diệt nước Lỗ (256 TCN), nhưng từ khi Hoàng Yết chết, thế nước đi xuống và hơn 10 năm sau cũng bị Tần tiêu diệt.

Mặc dù sự sức mạnh của nước Tần ngày càng áp đảo các chư hầu và xu thế thống nhất của quốc gia này là khó đảo ngược, song thực tế cho thấy sự hiện diện trên chính trường của bốn vị công tử góp phần duy trì, kéo dài cục diện Thất hùng thời Chiến Quốc.